Series Những Điều Kỳ Bí
Chương 5: Người Giữ Lăng (2)
Trên “Cao Đầu” có đầy đủ các loại dưa hấu, đợi đến tháng bảy tháng tám dưa hấu chín rồi sẽ dựng một giàn che cao để ở lại canh đêm tại đó.
Dưa hấu không đáng tiền, khi dưa hấu có trên chợ, trước cửa nhà nào cũng chất đầy một núi dưa, tôi nhớ hồi đó vài xu là có thể mua được một bao dưa.
Cho nên người lớn chẳng thèm ngó ngàng đến việc gác đêm, thế là ruộng dưa đã trở thành thế giới của lũ trẻ chúng tôi.
Trong《Cố hương》, Lỗ Tấn tiên sinh đã miêu tả cảnh gác đêm trên ruộng dưa đầy tình cảm: “Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đ.â.m theo một con tra. Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất.”
*Con tra: dã thú, loài động vật thích ăn dưa, được Lỗ Tấn miêu tả trong tiểu thuyết Cố Hương
Lỗ Tấn tiên sinh thật vĩ đại, nhưng ông ấy không canh gác qua đêm, đây chỉ là cảnh đẹp do ông ấy tự tưởng tượng ra.
Gác đêm khuya đẹp hơn, cũng náo nhiệt hơn thế này.
Nói là gác đêm, nhưng trên thực tế cũng không có ai ngu ngốc gác ở kho dưa cả, bọn họ đều là vui chơi trên dốc sông.
Dưa hấu ấy hả, chỗ nào cũng có nhưng chẳng ai thèm ăn, nhím này, chồn, lửng còn có con tra yêu quý của Lỗ Tấn tiên sinh, chúng nó thích ăn thì để cho chúng nó ăn đi!
Chúng tôi thường nghịch nước bên hồ, bơi chó, nhảy cầu, lặn!
Tôi có một cậu bạn thân tên là Lâm Lâm, cậu ấy có thể trèo lên cây đại thụ cao mười mấy mét rồi nhảy xuống, khi đó có một bộ phim truyền hình Nhật Bản rất hot, tên là《Anh hùng Lục Thủy》, kể về một vận động viên bơi lội nữ của Nhật Bản, kiệt tác chính là “Phi ngư chuyển mình”, có thể từ trong nước bay lên, giống như một cuốn tiểu thuyết huyền ảo.
Chúng tôi đã nhiều lần luyện tập "phi ngư chuyển mình" trong Đại Hồ, nhưng sau khi lộn vô số lần, chúng tôi không bay ra khỏi mặt nước mà bị uống vài hớp nước trong hồ.
Bơi mệt rồi thì chúng tôi tiện tay bắt một ít tôm cá, nhặt vài quả trứng vịt ở bãi cỏ ven hồ, nếu vận may tốt, nói không chừng còn có thể bắt được mấy con vịt nước, sau đó kiếm ít dưa hấu ngọt, dưa gang, quả đào mật, rồi đốt lửa bên hồ nướng ăn.
Sau khi ăn uống no nê, ai cũng hơi mệt nên ngồi trên Cao Đầu nhìn xuống Đại Hồ dưới chân, Đại Hồ về đêm tĩnh mịch, cũng rất huyền bí.
Mẹ trăng thường dõi theo chúng tôi, khiến người ta cảm thấy thế giới này vô cùng ấm áp, cũng vô cùng dịu dàng.
Nhá nhem tối, một chiếc thuyền đánh cá nhẹ nhàng trôi trên sông, trên thuyền đánh cá dán một chữ Hỉ màu đỏ thật lớn, là của một đôi vợ chồng mới cưới.
Phong tục ở đây là các cặp vợ chồng mới cưới sẽ cùng nhau lái một chiếc thuyền nhỏ ra hồ, chung tay thả một đôi cá chép đỏ.
Khi đó chúng tôi còn rất nhỏ, cuộc sống cũng trải qua khó khăn, nhưng nhìn đôi vợ chồng trẻ trong bộ quần áo mới thả đôi cá chép đỏ, cũng cảm thấy cuộc đời thật tươi đẹp, cuộc sống có hy vọng.
Cuộc sống mà, cũng cần phải có một chút nghi lễ.
Càng về đêm, sẽ phát hiện một vài ngọn nến trên hồ, dùng để tìm kho báu.
Ở Trung Quốc có rất nhiều hồ lớn được cho là có kho báu.
Hồ khác không biết, nhưng ở hồ Vi Sơn thật sự có.
Vì dưới hồ Vi Sơn có một tòa thành cổ.
Tòa thành cổ này tên là Lưu Thành, có thể được bắt nguồn từ thời Đường Nghiêu với lịch sử hơn bốn nghìn năm, ở thời Hán đó là thái ấp của Trương Lương.
Mọi người đều biết Trương Lương chính là Trương Tử Phòng, người Lưu Bang đã nói: "Trong màn trướng bày mưu nghĩ kế, quyết định thắng lợi ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Trương Tử Phòng".
Sau khi Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, bắt đầu luận công ban thưởng, ra lệnh lựa chọn ba vạn hộ làm thái ấp, nhưng Trương Lương lại tỏ ý “chỉ muốn phong tước duy nhất ở Lưu” cho nên cũng được gọi là “Lưu Hầu”.
Về sau Hoàng Hà thay đổi dòng chảy, lũ lụt hoành hành, cả tòa thành bị nhấn chìm.
Ngẫm nghĩ thấy cũng quá khủng khiếp, một tòa thành cổ mấy ngàn năm, toàn bộ đều bị chìm xuống nước.
Đây không phải là truyền thuyết, mà là sự thật.